(Lao động): Khó khăn thương mại điện tử

Khó khăn có thể trở thành cơ hội cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển và có bước nhảy vọt song yếu tố uy tín của người bán và giao nhận hàng hóa chưa được giải quyết triệt để thì người tiêu dùng còn e ngại với "môi trường" này và TMĐT sẽ vẫn còn xa vời.


Khó khăn có thể trở thành cơ hội cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển và có bước nhảy vọt song yếu tố uy tín của người bán và giao nhận hàng hóa chưa được giải quyết triệt để thì người tiêu dùng còn e ngại với "môi trường" này và TMĐT sẽ vẫn còn xa vời.
Ông Nguyễn Hòa Bình - TGĐ PeaceSoft cho biết, có 43% người tiêu dùng được hỏi không chọn hình thức mua hàng qua mạng vì lo sợ rủi ro.


Ông đánh giá sự tiến triển của thương mại điện tử (TMĐT) VN trong năm vừa qua như thế nào khi nền kinh tế chung đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ?

Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi nền kinh tế gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu thì TMĐT lại càng phát triển. Lý do đến từ hai phía, thứ nhất, các doanh nghiệp khó bán hàng ở thị trường truyền thống nên cần phải tìm thêm nguồn doanh thu mới, vượt ra khỏi rào cản địa lý.

Còn cắt giảm chi tiêu đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ khắt khe hơn trong việc tiêu dùng, đi kèm là môi trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều bất cập, hạ tầng còn yếu kém so với các nước trong khu vưc như tắc đường, không có chỗ để xe, địa chỉ bán hàng phân tán trên diện rộng, trong các cửa hàng nhỏ, ít trung tâm thương mại do đó người tiêu dùng sẽ hướng tới internet để so sánh giá, tìm thông tin về sản phẩm, thông tin khuyến mại và mua hàng trên mạng.

Chính vì vậy , khi kinh tế khó khăn thì TMĐT lại phát triển hơn. Trong năm vừa qua, các sản phẩm của PeaceSoft như Chodientu.vn, eBay.vn, NganLuong.vn đều tăng trưởng gấp đôi, gấp ba so với năm trước.

Như vây là TMĐT Việt Nam phát triển rất tốt nhưng vẫn chưa thể có sự bùng nổ như thị trường Trung Quốc, theo ông là còn cần những yếu tố nào ?

Yếu tố uy tín, niềm tin và giao nhận hàng hóa vẫn là hai khâu cuối cùng của TMĐT cần được giải quyết để có một sự bùng nổ. Theo nghiên cứu điều tra PayPal có 43% người tiêu dùng được hỏi không chọn hình thức mua hàng qua mạng vì lo sợ rủi ro. Chính vì vậy giải quyết vấn đề uy tín cho người bán là vô cùng quan trọng. Trong năm qua Ngân Lượng.vn đã ra mắt Chương trình Ngân Lượng đảm bảo mà theo đó, người mua tại các gian hàng này hoàn toàn yên tâm vì nếu chẳng may gặp rủi ro sẽ có Ngân Lượng đứng ra bồi hoàn khoản đã mất. Chứng chỉ này giúp người mua nhận diện người bán uy tín một cách dễ dàng hơn.

Về Giao nhận hàng hóa, TMĐT chưa thực sự tiện lợi vì đa số các doanh nghiệp VN là DN vừa và nhỏ không có lực lượng và đội ngũ giao hàng, họ không biết xử lý đơn hàng thế nào, gửi qua các hãng vận chuyển có rủi ro hay không?... Chính vì vậy mua hàng qua mạng vẫn tiềm ẩn rủi ro và nhiều bất tiện nên hiện tại người mua và người bán vẫn chọn lựa hình thức giao dịch tại cửa hàng và chỉ khảo sát thông tin hàng hóa qua mạng.

Từ thực tế đó, PeaceSoft trong năm 2012 sẽ đầu tư phát triển hệ thống cổng giao nhận hàng hóa đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Theo đó, người mua và người bán không có bất kỳ kinh nghiệm nào về vận chuyển hàng hóa thì cổng giao nhận này sẽ giúp họ hoàn tất khâu giao dịch và vận chuyển.

Thanh toán trực tuyến (TTTT) - một trong những yếu tố quan trọng cho thương mại điện tử phát triển song cho đến nay dường như người dùng vẫn chờ một công cụ tiện lợi, đơn giản hơn nữa, đặc biệt ở thị trường Việt Nam thưa ông ?

Thực ra, TTTT hiện nay với sự tiên phong của Ngân Lượng đã trở nên rất tiện dụng và an toàn cho người mua và người bán trên môi trường Internet Việt Nam, cái khó ở đây là do người tiêu dùng chưa quen sử dụng các công cụ thanh toán trực tuyến trong môi trường Internet, Internet Banking. Do vậy, cần có một thời gian để người tiêu dùng dần quen với các hoạt động này. Ngoài ra, khâu vận chuyển hàng hóa cũng là khâu vô cùng quan trọng, vì có công cụ thanh toán mà không có công cụ vận chuyển an toàn tiện lợi thì  người dùng không chọn cách thanh toán qua mạng. Thanh toán và Vận chuyển là hai khâu đi rất sát với nhau.

Sự tặng trưởng TMĐT trong năm vừa qua khá tốt.  Ngân Lượng tăng trưởng gấp 2.5 lần so với năm ngoái chiếm hơn 50% thị phần thanh toán trực tuyến. Nhìn chung các tín hiệu rất khả quan, vấn đề còn lại là tốc độ phát triển.

Năm 2011 cũng là năm có sự trỗi dậy của những mô hình mới như mua theo nhóm, ông đánh giá thế nào về mô hình này. Liệu đây có phải sự thay thế của các sàn giao dịch thương mại "cổ điển" hiện nay ?

Mô hình mua theo nhóm là mô hình TMĐT mới, rất có lợi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế giúp các DN đẩy nhanh khâu tiêu thụ, người tiêu dùng có lợi về giá. Bên cạnh những ưu điểm mô hình mới này cũng có những nhược điểm nhất định như chất lượng Deal, giá cả… Đầu năm 2012, Công ty PeaceSoft đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử mua theo nhóm 1Top.vn. Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình này so với các hình thức mua theo nhóm khác là các doanh nghiệp được tự động đăng Deal và quản lý khách hàng của mình. Mô hình này mong muốn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của mô hình mua theo nhóm hiện nay.
Vũ Hải

Nhận xét